Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

THƠ- TRẦN VĂN KHANG

    
     NỖI NHỚ NGƯỜI ĐI XA – TIẾNG LÒNG NGƯỜI HÀ NỘI

        Người sưu tầm, buôn bán cổ vật ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đều biết anh Trần Văn Khang là người đam mê sưu tầm cổ vật, bởi anh có rất nhiều cố vật quí hiếm. Người thích nghệ thuật thư pháp lại biết đến Trần Văn Khang là nhà thư pháp bởi nét bút tài hoa của anh đã tạo nên những bức thư pháp đẹp. Với người yêu thơ lại biết anh là tác giả 7 tập thơ: Sắc tình, Màu đất, Khát khao, Lắng đọng, Như thế, Hà Nội trong tôi, Nỗi nhớ người đi xa.


        Nhà thơ Trần Văn Khang sinh năm 1946 tại Hà Nội, lớn lên tham gia thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu. Tổ quốc thống nhất, chàng trai Trần Văn Khang về công tác tại Sở cấp nước Hà Nội. Năm 1990, Trần Văn Khang vào công tác tại Công ty cấp nước thành phố Hồ Chí Minh và chuyển cả gia đình vào trong đó định cư. Xa Hà Nội, nên anh giành nhiều thời gian, tình cảm, tâm huyết dồn vào ngòi bút để sáng tác những vần thơ về Hà Nội. Đặc biệt tập thơ Hà Nội trong tôi gồm 1000 bài thơ thất ngôn bát cú viết về Hà Nội. Để in tập thơ này anh Trần Văn Khang mời các nhà thơ trong nước làm thơ họa 10 bài thơ  thể Đường luật với chủ đề về Hà Nội do Anh khởi sướng, có hơn 400 tác giả gửi thơ họa, để chọn  990 bài thơ họa của 176 tác giả. 
         Chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam ấn hành tập thơ “Nỗi nhớ người đi xa ” của nhà thơ Trần Văn Khang, tập thơ in trên giấy có hoa văn rồng bay, bìa cứng có ảnh tượng đài Lý Thái Tổ.
        Trong mỗi chúng ta đều có tình cảm tha thiết với quê hương, nơi đó hội tụ khí trời, hương đất đã nuôi dưỡng ta trưởng thành. Tình yêu quê hương càng nhân lên gấp bội khi chúng ta sống xa quê. Mở đầu tập thơ “ Nỗi nhớ người đi xa”, tác giả Trần Văn Khang viết:
“ Quê hương là chốn chào đời
Là Nơi dung dưỡng một thời long đong
Quê hương là chuỗi hoài mong
Niềm thương nỗi nhớ trong lòng không nguôi.”
         Câu thơ giản dị. xúc tích, sâu lắng đã gợi cho người đọc nhớ những vần thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân “Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày...” hay trong ca khúc Về quê của nhạc sĩ Phó Đức Phương có ca từ giàu hình ảnh, sống động. mượt mà “ … Ơi quê ta bánh đa, bánh đúc, nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt, nơi tuổi thơ ta đã trải qua đẹp như giấc mơ…”.
         Thời trai trẻ ngược xuôi đây đó theo tiếng gọi của non sông, đến lúc tuổi cận kề “xưa nay hiếm” mái tóc hoa râm, nhìn con cháu vui đùa, trong lòng Anh dâng trào nhớ kỷ niệm một thủa cùng bạn cắp sách tới trường, cùng vui chơi, nô đùa…..
                                                         “Tôi đứa con xa nhà
                                                          Thủa nhỏ câu tôm vui cùng chúng bạn
                                                          Lớn lên theo tiếng sông hồ
                                                          Ngược xuôi đây đó
                                                          Xa thành phố tuổi thơ”
                                                ( Nỗi nhớ người đi xa )
         Tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm đẹp không dễ gì nhạt phai. Nếu ai từng một lần vui cùng chúng bạn câu tôm mới thấy niềm vui câu tôm. Câu tôm khác câu cá, cần câu bằng cành trúc nhỏ, mềm, dây câu bằng sợi chỉ không lưỡi câu, mồi câu làm từ cơm nghiền nát dẻo trộn với thính vo viên bằng hạt đỗ xanh buộc vào dây câu thả xuống nước gần mép bờ ao, hồ. Thấy phao động hoặc dây câu bị kéo, từ từ nhấc cần cân khỏi mặt nước, tới mặt nước nhấc nhanh sẽ bắt được con tôm càng to đang khư khư giữ mồi. Khi nhấc cần tới gần mặt nước nghe tiếng “tạch” tức là con tôm đã chạy thoát. Nếu  giật mạnh như giật cần câu cá thì không tài nào câu được tôm, vì tôm dùng càng cắp mồi đưa vào miệng chứ không như cá dùng miệng đớp mồi.
        Mẹ sinh thành, dưỡng dục, nuôi ta khôn lớn. Nghĩ về mẹ, ta càng kính yêu, thương nhớ mẹ nhiều hơn. Nhà thơ Trần văn Khang  đã viết về mẹ bằng những câu thơ giản dị, lắng đọng:
“Ăn cay uống đắng
Ăn lạnh uống sôi
  Thành sữa nuôi tôi
                                                                  Mẹ là thế đó”
                                  ( Mẹ là thế đó)
          Trong bài “ Mẹ tôi”
“Mẹ tôi màu tóc gió sương
Da màu của đất bốn phương hòa đều
Đời mẹ như thể rong rêu
Bốn mùa chìm nổi cũng đều vì con
Mẹ là đất có núi non
Nước nguồn chảy mãi thành con sông dài
Mẹ là ánh nắng ban mai
Ngọn hải đăng chiếu đêm dài biển khơi
Con đi khắp chốn muôn nơi
Bước đi mang nặng tình đời mẹ con….”
        Dù có nhiều áng văn, thơ, ca khúc hay, bức tranh tuyệt đẹp về mẹ nhưng chúng ta vẫn không hiểu thấu tấm lòng, tình thương mẹ yêu con. anh Trần Văn Khang viết “Hiểu bao nhiêu cũng chưa toàn đạo con”.
        Cuộc sống thời thực dân phong kiến tối tăm, nghèo khó, không cơm ăn, áo mặc, nói chi đến học hành, ăn sung mặc sướng, ngồi trong phòng lạnh như thời đại hiện nay. Với người cha vô cùng kính yêu, Trần Văn Khang đã viết:
                                                     “ Xưa
                                                       Cha nhậu
                                                       Ớt xanh chấm muối
    Ngâm nga vọng cổ ngắm trăng ngà
       Giờ con ăn đặc sản, ngồi phòng lạnh
                                                       Nhớ cha
                                                       Ruột xót mắt cay nhòa”.
                                             (Nhớ cha)
          Anh Trần Văn Khang bồi hồi nhớ lại người thiếu nữ  một thời làm rung động trái tim anh:
                                                    “ Phố Cửa Bắc chìm trong giấc ngủ
                                                      Đêm khuya phố vắng
                                                      Trời đổ mưa
                                                      Em hổi hả giục tôi tránh ướt
                                                      Cổng nhà ai
                                                      Giàn hoa giấy trổ hoa tím mướt
                                                      Em giật mình ôm chặt lấy tôi
                                                      Lửa hai tim đập liên hồi
                                                      Bóng tối trở về
                                                      Hoang vắng”
                                                                   (Dưới giàn hoa giấy)
       Trong số các nhà thơ viết về Hà Nội, theo tôi nhà thơ Trần Văn Khang thuộc những người có nhiều bài thơ viết về Hà Nội nhất. Một số nhạc sĩ đã phổ 10 bài thơ hay về Hà Nội  của anh để rồi cho ra  Allbum CD mang tên “Nỗi nhớ người đi xa ”
       Cảm nhận vẻ đẹp Hà Nội, Trần Văn Khang có những câu thơ:
                                                 “ Sâm cầm đùa sóng giỡn nắng vàng
                                                   Tiếng hạc trên không nghe xốn xang
                                                   Hồng Hà êm đềm theo dòng chảy
                                                   Đùa sóng cá mương vui hợp đàn.  
                       
                                                   Sóng nước mây trời như hòa quyện
                                                   Chiều nghiêng gió chải mướt mùa vàng
                                                   Lung linh giọt nắng hôn vòm lá
                                                   Gió đượm đòng thơm hương lan xa”         
                                                                                  ( Chiều quê)
      Trong bài “Phố Nguyễn Du”, nhà thơ Trần Văn Khang viết:
                                                 “Lấp lánh mặt hồ trắng màn sương phủ
                                                  Thiền Quang xanh gió hát trong mơ
                                                  Còn nhớ một chiều xưa
                                                  Ai tặng hoa bạn gái lúc đi xa
                                                  Xao xuyến lòng tôi mỗi khi trở lại
                                                  Đường Nguyễn Du nhung nhớ bồi hồi”.   
         Đường phố Hà Nội có nhiều cây cổ thụ, nhưng mỗi đường phố có loại cây đặc trưng riêng, như: đường Yên Phụ nhiều cây cơm nguội, đường Trần Phú trồng nhiều cây sấu,  đường Nguyễn Du có nhiều cây hoa sữa, đường Thanh niên nhiều cây bằng lăng, cây phượng, đường Bà Triệu nhiều cây xà cừ… Mùa thu sang, Hà Nội trở thành mùa thu vàng.
                                                 “Hà Nội hoa sữa hương phố đêm
                                                   Cho thu lãng mạn thật êm đềm
                                                   Loài hoa thân thiết mang nỗi nhớ
                                                   Thắm kỷ niệm xưa đâu dễ quên.”
                                                                            (Hương hoa sữa)
        Người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, bản lĩnh ý trí kiên cường, chỉ 12 ngày đêm quân dân Hà Nội làm nên một Điện Biên phủ trên không quật tan xác pháo đài bay. Nhớ lại những ngày “rồng lửa” vút lên trời xanh quật tan máy bay B52, Hà Nội chiến thắng, Hà Nội anh hùng.
                                                “ Hà Nội vùng lên lau nước mắt
                                                  Đau thương trút nòng súng căm thù
                                                  Rồng lửa giăng thiên la địa võng
                                                  Quật pháo đài bay xuống ao tù
                                                                         (Nhớ người hôm nay)
        Đọc tập thơ “ Nỗi nhớ người đi xa ” của nhà thơ Trần Văn Khang, ta thấy một Trần Văn Khang rất yêu, rất yêu Hà Nội, nhớ và nhớ Hà Nội da diết, luôn nhớ về Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Chúng ta chúc nhà thơ Trần Văn Khang có nhiều áng thơ hay về Hà Nội hơn nữa.
                                              “Muôn năm Hà Nội – Thăng Long
                                               Từng viên gạch ngói cũng trong sử vàng
                                               Người Hà Nội đất Tràng An
                                               Nức tiếng thanh lịch vẻ vang anh hùng”
                                                                       ( Đất và người Hà Nội)

                                                                                     Hà Nội, ngày 01/10/2010
                                                                                                 Đỗ Sơn Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét