Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

“MÀU XANH ÁO LÍNH” – HUYỀN THOẠI TRONG TA

Một thời, tôi và anh Nguyễn Thế Bình đã sống, làm việc ở thị xã Hải Dương; sau đó tôi chuyển công tác về Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ). Tại ngày thơ lục bát lần thứ nhất (6 tháng 8 Kỷ sửu) tổ chức ở Trung tâm Triển lãm Vân Hồ, anh Bình tặng tôi tập thơ “Màu xanh áo lính” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Đây là điều bất ngờ đối với tôi, bởi từ trước tới nay tôi không nghe ai nói anh sáng tác thơ.
Nguyễn Thế Bình sinh ra và lớn lên ở thành phố Vinh giàu truyền thống cách mạng – thành phố miền Trung nắng rát gió Tây. Đến tuổi trưởng thành nhập ngũ, khoác trên mình chiếc áo xanh đời lính. Anh cùng đồng đội xông pha khắp các chiến trường từ Quảng Trị, Thừa Thiên, Đường 9, Khe Sanh tới Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng, Công Pông Chàm rực lửa đạn réo, bom nổ. Chiến tranh kết thúc, anh là sinh viên trường Đại học sư phạm, tốt nghiệp anh về Hải Dương công tác. Trải qua những năm tháng trong quân ngũ, hình ảnh người lính luôn đậm lại trong tâm trí của anh, ngay trang đầu của tập thơ “Màu xanh áo lính” anh viết: “… Sự hy sinh gian khổ của bản thân và đồng đội nhiều năm tháng neo bám vào lòng, day dứt không nguôi, thúc dục tôi cầm bút viết những vần thơ thể hiện tình cảm đối với quê hương đất nước, những chiến công anh dũng hào hùng của người lính một thời không tiếc máu xương cho trường chinh giải phóng.”
Ai đã từng cùng đồng đội hành quân xung trận mới thấy hết nỗi gian nan, vất vả những khó khăn thử thách đối với người lính, Nguyễn Thế Bình viết:
Bao năm bám trụ chiến trường
Đôi chân dép lốp mòn đường hành quân
Ba lô bạc phếch màu sương
Đung đưa cánh võng thay gường nghỉ ngơi
Miếng cơm ngụm nước đầy vơi
Tăng che đẫm nước, sương rơi mưa dầm.
(Đời lính chiến trường)
Tôi càng thấu hiểu sâu sắc hơn chỉ có người trong cuộc như Nguyễn Thế Bình mới có những câu thơ mô tả khái quát, sinh động về cuộc sống người lính chiến trường. Câu thơ thật giản dị, súc tích cũng đủ để người đọc thấy cuộc sống người lính chiến trường vất vả, thiếu thốn mọi thứ, từ đó càng làm ta cảm thông và khâm phục, yêu quí các anh hơn.
Tình yêu thương đồng đội, đồng chí, đó là biểu hiện đỉnh cao của tình thương yêu giữa người với người, mang đậm bản chất nhân văn của người Việt Nam:
…“ Chiếc áo bao nghĩa tình đồng đội
Cởi ra đắp cho người bị thương
Nối ống tay làm dây kéo bạn
Bom đứt chân, chí vẫn kiên cường”…
(Màu xanh áo lính)
Trong bài “ Tâm tình người lính”, anh viết:
“ Điều không mong muốn rồi cũng đến
Trận đánh Tà Lương đạn trúng chân
Đồng đội đưa vào quân y viện
Gặp cô y tá thế là thân”…
Đúng là, tình đồng đội, tình đồng chí thật là thiêng liêng, thật là cao cả.
Có người cho rằng tình cảm người lính khô khan, cứng nhắc, chỉ biết “quân lệnh như sơn”, nhận xét như vậy là không hiểu thấu tâm tư tình cảm, cuộc sống người lính. Nguyễn Thế Bình viết:
“ Cùng trăng ra trận hôm nay
Vấp câu ví dặm vơi đầy sông Lam
Cùng thuyền trôi giữa dòng sông
Một vai súng nặng vai mang giọng hò
Bao nhiêu thương nhớ đợi chờ
Mai ngày hết giặc ta về bên sông.”
(Nghe cầu hò xứ Nghệ)
Hay trong bài “Tâm tình người lính”, có câu:
…“ Vết thương điều trị qua rất mau
Ánh mắt nụ cười đã trao nhau”
Hoặc:
…“ Rừng khuya đất bạn nằm thao thức
Nghĩ về em đăm đắm diết da.”
Và trong bài “ bữa tiệc mừng công”:
“ Mừng công tiểu đội mở tiệc khao
Quanh mâm lá chuối tuyệt chưa nào
Canh măng môn thục vài ba món
Rượu suối mời nhau uống ánh sao.”
Đọc những câu thơ trên, thấy tâm hồn bộ đôi ta lạc quan, lãng mạn lắm chứ, chẳng khô khan chút nào!
Chiến tranh qua đi, chúng ta cùng nhau hàn gắn và xây dựng lại những gì đổ vỡ, mất mát để đất nước, cuộc sống thanh bình ngày càng tươi đẹp hơn. Anh viết về tình yêu thương đối với những chiến sĩ đã mất một phần thân thể trong cuộc chiến:
…“ Vòng tay em ôm
Thay bàn tay anh viết
Ánh mắt nhìn nhau
Hạnh phúc đến như mơ.”
(Bài thơ chưa viết)
Mỗi bài thơ trong tập “Màu xanh áo lính” của nhà thơ Nguyễn Thế Bình  là những cảm súc từ tâm khảm, để rồi thăng hoa đọng lại trong tâm  bạn đọc những ấn tượng đẹp về hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ.  Đọc tập thơ “ Màu xanh áo lính ” dễ dàng nhận thấy hồi ức kỷ niệm về một thời Nguyễn Thế Bình đứng trong quân ngũ, chứng kiến những nơi anh từng đến, cùng đồng đội xung trận để cuộc chiến vĩ đại giải phóng dân tộc toàn thắng. Thơ của anh không hoa mỹ, ồn ào, sáo rỗng, mà mộc mạc, hồn nhiên, giàu cảm súc, rung động người đọc, người nghe. Tôi cảm nhận “Màu xanh áo lính ” là một huyền thoại trong ta. Là tập thơ đầu tay, đôi chỗ câu thơ chưa hay lắm, nhưng bước đầu anh đã thành công trên con đường sáng tác. Và người đọc dễ cảm thông với tác giả, bởi anh là người lính, mang tâm hồn người lính.
Chúc mừng sự thành công của anh đối với thơ và mong nhà thơ Nguyễn Thế Bình tiếp tục, vững bước trên con đường hiến dâng cho đời những áng thơ hay hơn nữa như anh đã viết:
…“ Chiếc áo dẫu bạc màu năm tháng
Giữ trong tim thắm mãi màu xanh”.
Hà Nội, ngày 27/7/2010
Đỗ Sơn Hà
Bài đã đăng báo Người cao tuổi cuối tuần ngày 31/7/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét