Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012

VCPMC - ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA NHẠC SĨ

                                        Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC
     Thành lập từ năm 2002, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam – Vietnam Centre for Protection of Music Copyright ( VCPMC) hoạt động vì mục đích chủ yếu và lâu dài là: thực hiện với hiệu quả cao nhất các chức năng của tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc ở Việt Nam, nhằm tạo điều kiện cho người nắm giữ quyền tác giả thụ hưởng đầy đủ các quyền và lợi ích theo qui định của pháp luật, đặc biệt là khai thác tối đa giá trị kinh tế của tác phẩm âm nhạc, dưới những hình thức sử dụng khác nhau ở trong và ngoài nước.
     Sơn Hà nhớ lại: cách đây 12 năm, được Bô trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ ( nay là Bộ Nội vụ) giao nhiệm vụ nghiên cứu, thẩm định hồ sơ thành lập Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam do Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề nghị. Sau một thời gian nghiên cứu, đề nghị của Hội Nhạc sĩ đã dược  Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ và các cơ quan liên quan cho phép Hội Nhạc sĩ Việt Nam thành lập tổ chức pháp nhân trực thuộc Hội. Ngày 19/4/2002, Tổng Thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam – Nhạc sĩ Trọng Bằng đã ký quyết định số 19/2002/QĐ-NS thành lập Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam. Từ ngày thành lập đến nay Nhạc sĩ Phó Đức Phương làm Giám đốc Trung tâm.
      Thời gian đầu, Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn: không biên chế, kinh phí, phương tiện, trụ sở,…Nơi làm việc của Trung tâm chỉ vẻn vẹn căn phòng gần 10 m2 ớ sát cổng phụ số nhà 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội – Trụ sở Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và một số hội văn học nghệ thuật chuyên ngành. Khó khăn chồng chất, nhưng với quyết tâm của các nhạc sĩ: Phó Đức Phương, Hồ Quang Bình, Nguyễn Tự Lân, Nguyễn Đình Bảng, Ngô Quốc Tính, Phan Phương… cùng toàn bộ thành viên của Trung tâm đã bươn trải xây dựng Trung tâm là đơn vị duy nhất bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tại Việt Nam theo đúng mục tiêu “ Sáng tạo dồi dào, lợi ích đảm bảo”. Sau khi thành lập Sơn Hà cùng một số nhạc sĩ đã  ký hợp đồng ủy thác quyền tác giả với Trung tâm. Chỉ trong một thời gian ngắn đã có hơn trăm nhạc sĩ ký hợp đồng ủy thác, tính đến 15/6/2012 đã có 2178 nhạc sĩ ký hợp đồng ủy thác. Tiền bản quyền năm đầu tiên thu được vài chục triệu, đến nay số tiền bản quyền thu được ngày càng tăng: năm 2009 là 30 tỉ đồng, năm 2010 là hơn 34 tỉ đồng, năm 2011 thu hơn 40 tỉ đồng, Năm 2012 Trung tâm phấn đấu thu trên 44 tỉ đồng. Tính đến 31/12/2011, tổng số tiền sử dụng bản quyền trước thế là  127.339.966.000 đồng. Đây quả là một số tiền không nhỏ, ấy là chưa thu hết các đối tượng sử dụng tác phẩm âm nhạc để kinh doanh trong nhà hàng, khách sạn, karaoke…Thậm trí có chương trình biểu diễn còn quịt tiền bản quyền lên tới gần trăm triệu đồng. Số tiền thu về, sau khi trừ các khoản chi phí cho công tác quản lý. Trung tâm đã chi trả tiền sử dụng bản quyền âm nhạc kịp thời tới các nhạc sĩ theo định kỳ chi trả 4 lần/năm.
       Không chỉ thực hiện quản lý tập thể quyền tác giả âm nhạc trong nước theo hợp đồng ủy thác, Trung tâm còn ký hợp đồng song phương với các tổ chức bảo vệ quyền tác giả âm nhạc của các nhạc sĩ ở 136 quốc gia và vùng lãnh thổ được sử dụng tác phẩm tại Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa là tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ Việt Nam cũng được bảo vệ quyền tác giả tại 136 nước và vùng lãnh thổ. Hiện nay Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam là thành viên của Hiệp hội Quản lý tập thể quyền tác giả Âm nhạc quốc tế - CISAC.
       Thực hiện minh bạch, tránh kiện tụng, hàng năm, Trung tâm đã mời tổ chức kiểm toán quốc tế đến thực hiện kiểm toán. Kết quả kiểm toán cho thấy Trung tâm đã thực hiện tốt ciệc quản lý thu và chi trả tiền bản quyền cho các nhạc sĩ theo đúng qui định của pháp luật.
       Đánh giá về việc làm của Trung tâm, hầu hết các nhạc sĩ đều hài lòng về cách tổ chức, hoạt động của Trung tâm và mong muốn Trunng tâm cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhà nước để thực hiện nghiêm túc qui định về quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả.
       Việc làm của Trung tâm trong 10 năm qua là hiệu quả, đáng khích lệ, nhất là vai trò của Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Nhạc sĩ Phan Phương,… cùng các thành viên Trung tâm. Song, rất tiếc có một số nhạc sĩ đã có những đơn thư gửi tới các cơ quan chức năng đưa những tin thất thiệt: Trung tâm không có cơ quan chủ quản, không có pháp nhân, tiền thu về để ngoài sổ sách, chi sai, chi không đúng mục đích, chưa trả tiền bản quyền cho các nhạc sĩ kịp thời…Để làm sáng tỏ đơn thư tố cáo, Cục Cảnh sát Kinh tế - Bộ Công an đã vào cuộc. Sau nhiều tháng kiểm tra, xác minh, Cục Cảnh sát Kinh tế - Bộ Công an đã đánh giá như sau:
     “ VCPMC là tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực âm nhạc, liên quan, tác động và ảnh hưởng nhiều đến dư luận xã hội. Trong nhiều năm qua VCPMC đã nỗ lực thực hiện việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc và đạt được kết quả nhất định, thu chi được phản ánh vào sổ sách kế toán, song bên cạnh cũng còn có hạn chế về quản lý, thủ tục hành chính và thiếu sót về thực hiện luật kế toán nhưng không có dấu hiệu tiêu cực tham nhũng.
     Đề nghị Bộ văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Nhạc sĩ xem xét tạo điều kiện cho VCPMC thực hiện tốt hơn việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc trong nước và quốc tế, góp phần thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền tác giả một cách nghiêm túc và triệt để”.
       10 năm tổ chức và hoạt động của Trung tâm chưa phải là dài, nhưng cũng để chúng ta nhìn nhận và đánh giá khách quan về những kết quả đạt được của Trung tâm trong việc thực thi quản lý tập thể bảo vệ quyền tác giả là đáng tự hòa, đáng được cơ quan quản lý nhà nước khen thưởng. Việc làm của Trung tâm đã góp phần thực thi pháp luật trong việc sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền tác giả ở Việt Nam. Việc làm của Trung tâm đã góp phần tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ của Hội Nhạc sĩ Việt Nambảo vệ quyền lợi chính đáng  hợp pháp của hội viên”.
      Với tư cách là nhạc sĩ và là người ký hợp đồng ủy thác cho Trung tâm thực thi bảo vệ quyền tác giả, Sơn Hà xin chia sẻ những khó khăn và chúc mừng hiệu quả hoạt động trong 10 năm qua của Trung tâm, và luôn mong muốn Trung tâm là địa chỉ tin cậy duy nhất trong việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc ở Việt Nam.
                                                                                             Hà nội, ngày 9/7/2012
                                                                                                 NS. Đỗ Sơn Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét