Đến lúc này, nhiều người có lẽ
vẫn thắc mắc tại sao lại có nhiều xe tăng cùng mang số hiệu 390 và 843 ở một số
tỉnh, thành trong cả nước. Đâu là bản “xịn”…?
Xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc lập trưa ngày 30/4/1975
Trưa
30/4/1975, cánh cổng sắt lớn Dinh Độc lập đã thực sự đổ
sập. Toàn bộ nội các Ngụy quyền phải đầu hàng vô điều kiện. Lá cờ chiến
thắng tung bay trên nóc Dinh Độc lập, mở ra một trang sử mới trong lịch sử nước
nhà sau nhiều năm chiến tranh.
Vào
thời khắc lịch sử đó của dân tộc, có hai chiếc xe tăng “huyền thoại” mang số
hiệu 390 và 843 đã húc đổ cánh cổng của Dinh Độc Lập. Chiếc xe tăng 390 đã vào
sân Dinh Độc Lập đầu tiên vì chiếc 843 lúc đó bị kẹt tại cửa ngách bên trái.
Các xe tăng của Quân Giải phóng miền Nam tiến
vào Dinh Độc lập trưa ngày 30/4/1975
Sau đại thắng 30/4/1975 đến nay, có lẽ rất
nhiều người dân Việt Nam và các du khách thắc mắc về bản gốc của hai chiếc xe
tăng 390 và 843 huyền thoại đang được lưu giữ ở đâu vì ở Hà Nội có một chiếc xe
tăng mang số hiệu 390 ở Bảo tàng Lực lượng Tăng thiết giáp và trong TP. Hồ Chí
Minh cũng có một chiếc tương tự.
Bản chính xe tăng 390 húc đổ cống chính Dinh Độc lập
ngày 30/4/1975 trưng bày tại bảo tàng Lực lượng Tăng thiết giáp - Hà Nội
Còn xe tăng mang số hiệu 843 ở Hà Nội hiện nay
có đến hai chiếc. Một ở Bảo tàng Quân sự Việt Nam , một đang ở Bảo tàng Lực lượng
Tăng thiết giáp. Ở Thái Bình cũng có một chiếc mang số hiệu 843 và một chiếc
khác ở TP. Hồ Chí Minh hiện đang được trưng bày ở Dinh Độc Lập.
Trước hết, với hai chiếc xe tăng mang số hiệu
390 và 843 đang có mặt trong TP. Hồ Chí Minh có thể khẳng định chắc chắn rằng
cả hai chiếc xe tăng này chỉ là “hiện vật đồng dạng, đồng thời” so với bản gốc.
Bản sao xe tăng 843 trưng bày tại Dinh Độc lập
nhân kỉ niệm 20 năm giải phóng miền Nam
Trong đó, chiếc xe tăng 390 ở Dinh Độc lập là
loại xe tăng T59, hạng trung, sản xuất tại Trung Quốc. Ðây là hiện vật đồng
dạng, đồng thời với xe tăng 390 - xe tăng đầu tiên húc tung cổng chính Dinh Ðộc
lập ngày 30/4/1975. Chiếc xe này được Kho KT 580 - Cục Kỹ thuật binh chủng,
Tổng cục kỹ thuật, Bộ Tư lệnh tăng thiết giáp - Bộ Quốc phòng tu bổ, phục chế,
khôi phục như nguyên bản xe 390 và đưa về trưng bày tại di tích lịch sử Dinh
Ðộc lập ngày 15/4/2001 nhân dịp kỷ niệm 26 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền
Nam.
Bản sao xe tăng 390 trưng bày tại Dinh Độc lập
từ ngày 15/4/2001
Còn chiếc xe tăng mang số hiệu 843 cũng ở Dinh
Độc lập là loại xe tăng T54, hạng trung, sản xuất tại Liên xô. Ðây là hiện vật
đồng dạng đồng thời với xe tăng mang số hiệu 843 đã húc nghiêng cổng phụ của
Dinh Ðộc lập vào lúc 10h45 ngày 30/4/1975. Chiếc xe này được sưu tầm từ trường
Hạ sĩ quan Tăng thiết giáp I thuộc Bộ Tư lệnh tăng thiết giáp và phục chế lại
thành xe tăng 843 để làm hiện vật trưng bày nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày giải
phóng hoàn toàn miền Nam.
Vậy những chiếc xe tăng mang số hiệu 390, 843
ở Hà Nội và Thái Bình, đâu là bản chính gốc từng tham gia húc đổ cánh cổng Dinh
Độc lập?
Bản sao xe tăng 843 trưng bày tại Thái Bình
Lần theo những cứ liệu lịch sử và đặc biệt
dưới sự giúp đỡ của Thiếu tướng Lê Mã Lương – Anh hùng LLVTND, nguyên giám đốc
Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, cuối cùng, bí mật về hai chiếc xe tăng
“huyền thoại” 390 và 843 bản “xịn” đang ở đâu đã được hé lộ.
Bản chính xe tăng 843 húc nghiêng cổng phụ Dinh Độc lập
lúc 10h45ph ngày 30/4/1975 trưng bày tại Bảo tàng Quân sự Việt Nam
“Hai chiếc xe tăng bản gốc từng tiến vào Dinh
Độc Lập mang số hiệu 390 và 843 hiện nay đều ở Hà Nội. Trong đó chiếc xe tăng
390 bản gốc hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Lực lượng Tăng thiết giáp còn
chiếc xe tăng mang số hiệu 843 bản gốc hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Lịch Sử
Quân sự Việt Nam. Tất cả những chiếc xe tăng khác có cùng số hiệu chỉ là hiện
vật đồng thời” - Thiếu tướng Lê Mã Lương – Anh hùng LLVTND cho biết.
Trương Trang – Xuân Nghi
Báo Dân Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét