Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

VỀ QUẢNG TRỊ TRI ÂN ĐỒNG ĐỘI - Phần 6


 VỀ CHIẾN TRƯỜNG XƯA

    Đồng chí Ngô Truyện - Bí thư xã Hải Lệ nhiệt tình dẫn chúng tôi về thăm các địa danh Đèo đá đứng, Động Ông Đo, Đồi Cháy,… nơi ấy cách đây 40 năm, các chiến sĩ quân đội ta đã sát cánh bên nhau quyết liệt chiến đấu với quân thù để bảo vệ từng tấc đất. Và cũng chính nơi ấy nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, hiện nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt của các anh!
       Xe ô tô chạy trên đập hồ nước Nam Thạch Hãn, đưa chúng tôi đến Đèo đá đứng. Đèo đá đứng bên sông Ba Lòng. Sông Ba Lòng xưa có tên là sông nuốt dòng, là một phần của sông Thach Hãn. Nhánh sông này chảy qua địa phận xã Ba Lòng thuộc huyên Đa Krông nên được gọi là sông Ba Lòng. Đèo Đá dứng thuộc xã Hải Lệ giáp danh với xã Ba Lòng. Trước khi xây đập ngăn dòng sông Ba Lòng, các hòn đá ở đây dựng đứng thành hàng như đoàn quân lên đường ra trận, nên người dân nơi đây đặt tên đèo này là Đèo đá đứng. Khi giải phóng tính Quảng Trị, ta thu được bản đồ qui hoạch xây dựng hồ nước phía Nam Thạch Hãn do Pháp khảo sát thiết kế. Năm 1978, Nhà nước đã đầu tư kinh phí và huy động sức người, sức của quân dân Trị - Thiên khởi công xây dựng dự án thủy lợi Nam Thạch Hãn theo qui hoạch của Pháp. Một phần do bom đạn quân thù tàn phá, một phần do làm hồ nước và xây đập tràn sông Ba Lòng nên đá đứng không còn nhiều. Đập tràn ngăn sông Ba Lòng khác với các đập tràn được xây dưng ở các nơi, đập tràn này được sử dụng một bức tường cao su kích thước cực lớn, khi cần người ta bơm khí vào, lập tức được bức tường cao su cao sừng sững ngăn dòng chảy. Khi mùa lũ, người ta xả hơi ra, đập xẹp xuống để xả nước.

Các chiến sĩ thăm lại trận địa Đèo đá đứng

                                             Đập tràn sông Ba Lòng ở Đèo đá đứng

       Năm 1972, chiến dịch Quảng Trị bước vào giai đoạn ác liệt nhất, tại Đèo đá đứng đã diễn ra những trận đánh cam go ác liệt giữa quân dân ta với kẻ thù, nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, máu nhuộm đỏ sông Ba Lòng. Hiện nay tại Đèo đá đứng còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa tìm thấy để qui tập. Trên đỉnh đèo là ngôi nhà của ban quản lý đập tràn sông Ba Lòng.

Sơn Hà với Thượng tá Nguyễn Nhật Thanh trên Đèo đá đứng

      Cách Đèo đá đứng về phía tây nam là Động Ông Đo. Động Ông Đo nằm gần với hồ nước Nam Thạch Hãn và ở trên núi. Trong chiến dịch Quảng Trị xuân hè 1972, tại Động Ông Đo đã diễn ra nhiều trận đánh quyết liệt của các chiến sĩ  Sư đoàn 312 chống lại xe tăng, máy bay và đội quân hùng hậu của Mỹ ngụy. Ta tiêu diệt nhiều địch, nhưng quân ta cũng  nhiều chiến sĩ hy sinh. Trong cuộc chiến đấu với quân thù tại Động Ông Đo, chiến sĩ Nguyễn Văn Thuận thuộc Sư đoàn 312, quê ở thành phố Bắc Ninh, đã bắn 14 quả đạn B40 tiêu diệt nhiều địch, tai điếc đặc, đến nay thỉnh thoảng tai bị ù điếc. 

Phái bên kia hồ là Động Ông Đo nơi diễn ra nhiều trận đánh quyết liệt

     Trong những chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ tại Động Ông Đo, đã tìm được một số hài cốt liệt sĩ, nhưng tại đây vẫn còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa tìm thấy. Vì đường dốc, nhỏ, khó đi, vả lại xe ô tô loại 50 chỗ nên đoàn chúng tôi không đến được Động Ông Đo. Thật tiếc! Hẹn lần sau chúng tôi đến Động Ông Đo.

 Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ tại Đồi Cháy

      Theo sự dẫn đường của Bí thư Ngô Truyện, Đoàn chúng tôi đi ô tô một đoạn, đường nhỏ, ngoằn nghèo, chúng tôi xuống xe và đi bộ tới Đồi Cháy. Xưa người dân nơi đây gọi  là Đồi chè, Đồi Cháy là biệt hiệu trong chiến tranh do quân đội ta đặt. Vì vậy, từ đó đến nay người dân không gọi Đồi chè mà gọi là Đồi Cháy. Trong chiên dịch Quảng trị xuân hè 1972, Đồi Cháy được giao cho Đại đội 1, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 165 chốt giữ. Lúc ấy Thiếu úy Nhiên là chính trị viên Đại đội 1, chiến sí Lê Xuân Cải làm liên lạc cho Chính trị viên Nhiên. Nay anh Lê Xuân Cải được phong hàm Thiếu tướng.

Son Hà chụp hình lưu niệm với Thiếu tướng Lê Xuân Cải

       Cách Đồi Cháy không xa khoảng vài trăm mét là trụ sở chỉ huy của Tiểu đoàn 6 e165 do Thượng úy Nguyễn Thế Thao người con của Thái Bình làm Tiểu đoàn trưởng và Trung úy Bùi Văn Dục quê Tiên Lữ, Hưng Yên làm Tiểu đoàn phó.

Anh hùng, Đại tá Nguyễn Thế Thao 
nguyên Thượng úy Tiểu đoàn trưởng d6e165
                                Bên trái là Anh hùng Đại tá Nguyễn Thế Thao, 
             bên phải là Đại tá Bùi Văn Dục nguyên Trung úy Tiểu đoàn phó d6 e165

      Tại Đồi Cháy diễn ra nhiều trận đấu súng ác liệt. Địch huy động nhiều xe tăng, máy bay và pháo hạng nặng tập trung hỏa lực hòng hất quân ta ra khỏi Đồi Cháy. Các chiến sĩ ta chốt giữ Đồi Cháy không hề nao núng, quyết liệt chiến đấu đến cùng, nhiều đồng chí hy sinh. Trong chiến đấu bảo vệ Đồi cháy. Thượng sĩ, Trung đội trưởng Hoàng Đăng Miện đã tiêu diệt 81 địch, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Anh Miện đã anh dũng hy sinh! Chốt giữ Đồi Cháy do Đại đội 10, tiểu đoàn 6, Thượng sĩ, Trung đội trưởng Hoàng Hữu Thê quê Kiến An, cùng các chiến sĩ chốt giữ Đồi Cháy 4 ngày 3 đêm đã đánh lui 6 đợt tấn công của địch, tiêu diệt hơn 60 tên, sau đó bàn giao chốt giữ Đồi Cháy cho Nhóm chiến sĩ do Nguyễn Hữu Huỳnh chỉ huy. Đêm  23/11/1972, tên Huỳnh đã phản bội, dùng lựu đạn sát hại 3 chiến sĩ thông tin và ra đầu hàng địch. Được tin, Trung đoàn đã cử chiến sĩ Nguyễn Văn Lởi và 2 chiến sĩ thông tin ở Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 209 vào thay thế 3 chiến sĩ đã hy sinh. Ngày 24/11 địch dùng máy bay, bay vòng quanh Đồi Cháy nhiều lần, dùng loa phóng thanh công suất lớn phát đi lời nói của tên Huỳnh kêu gọi anh em chiến sĩ Đồi Cháy qui hàng. Tiếp sau đó địch dùng pháo 175 li ( vua chiến trường) nã hàng loạt quả pháo vào đồi Cháy và huy động quân tấn công Đồi Cháy, dưới sự chỉ huy của chiến sĩ Nguyễn Văn Lởi, các chiến sĩ ta đã anh dũng đánh trả quyết liệt.Trong trận này quân ta đánh tan quân địch, tiêu diệt 84 tên địch. Các chiến sĩ chôt giữ Đồi Cháy được chi huy Trung đoàn khen ngợi, sau đó một thời gian chiến sĩ Nguyễn Văn Lởi được kết nạp vào Đảng tại mặt trận.

 Chiến sĩ Nguyễn Văn Lởi chốt giữ Đồi Cháy

      Tên Nguyễn Hữu Huỳnh quê Yên Định tỉnh Thanh Hóa, không chịu được nhiệt của cuộc chiến, đã phản bội, hắn dùng 3 quả lựu đạn ném vào hầm sát hại 3 chiến sĩ thông tin, cầm súng đầu hàng địch và khai báo toàn bộ lực lượng quân ta chốt giữ Đồi Cháy. Nắm được tình hình, địch phản công. Để bảo toàn lực lượng, quân ta rút khỏi Đồi Cháy. Năm 1975, ta bắt được tên Huỳnh, tên Huỳnh khai lại toàn bộ hắn dùng 3 quả lựu đạn sát hại đồng đội và đầu hàng địch. Năm 1980, Tòa án Quân sự quân khu IV đã tuyên án tử hình tên Nguyễn Hữu Huỳnh kể phản quốc, sát hại đồng đội mình. Thật đáng đời cho kẻ phản bội đã làm ô nhục thanh danh của gia đình, dòng tộc!


Di ảnh ba liệt sĩ bị tên Huỳnh sát hại 
được đặt tại nhà bia tưởng niệm Đồi Cháy
Bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Đồi Cháy
Đoàn thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ tại Đồi Cháy 
Son Hà xin kính cẩn thắp nén nhang thơm tưởng nhớ 
các liệt sĩ hy sinh tại Đồi Cháy
Son Hà cùng các chiến sĩ thăm lại Đồi Cháy
                     Các chiến sí Thành cổ đang kể lại những chuyến vượt sông Thạch Hãn
                                tại bến Vượt - Phương Thúy, có lần nước lũ lên cao, 
                       phải căng dây qua sông, đứt dây, nhiều đồng đội bị nước cuốn

      Cách đây một thời gian, Trung đoàn 165 đã xây dựng tại Đồi Cháy nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ  hy sinh tại đây. Đoàn đã đến viếng và thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh anh dũng chốt giữ Đồi Cháy. Hiện nay mới tìm thấy một số hài cốt liệt sĩ được qui tập vào nhĩa trang Liệt sĩ hị xã Quảng Trị, còn nhiều đồng chí hy sinh chưa tìm thấy hài cốt. Sơn Hà xin thắp nén nhang thơm và kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh anh dũng tại Đồi Cháy.
                                                                             Mời các bạn xem tiếp phần 7

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét