Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

VỀ QUẢNG TRI, TRI ÂN ĐỒNG ĐỘI - Phần 8


                                 THƯƠNG LẮM, NHỚ LẮM QUẢNG TRỊ ƠI !

     Mấy hôm trước, tôi có hỏi thượng tá Nguyễn Nhật Thanh: “Về Quảng Trị lần này, anh có có thể cho tôi gặp o Đào du kích năm xưa cùng chung chiến hào chiến đấu với anh được không?” Anh Thanh trả lời: “Có chứ !”. Suốt mấy ngày ở Quảng Trị, về thôn Như Lệ, chẳng thấy anh Thanh giới thiệu tôi với o Đào. Tôi hỏi hoài mà anh chỉ cười ròn tan. Sáng mai rời Quảng trị rồi mà điều đề nghị nhỏ nhoi ây liệu có thể thực hiện được không.  

                                O Đào chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm xưa 

        Một điều bất ngờ và thú vị, ngay đêm 27/7 tại khu vực Đài thả hoa, tôi thấy ba nữ cựu chiến binh, mái tóc đã điểm bạc, ngực lấp lánh các huân chương, ngôi chung hàng ghế với đoàn chúng tôi. Một thành viên trong đoàn nói với tôi: “Sơn Hà này, đây là o Đào và các chiến sĩ Thành cổ năm xưa đó”. Tôi vui và chào o Đào: “Chào chị, tôi là Sơn Hà, bạn của thượng tá Nguyễn Nhật Thanh, anh Thanh đã kể chuyện về chị cho tôi nghe, thế anh Thanh đã gặp chị chưa? Chị Đào trả lời: “Em chưa gặp anh ấy”. Tôi liền gọi điện cho anh Thanh, nhưng rất tiếc anh Thanh lại bận chút việc với các đồng chí lãnh đạo thị xã nên không gặp o Đào được. Tôi thông báo tin này cho o Đào biết và mong o thông cảm cho anh ấy.
       Kết thúc chương trình truyền hình trực tiếp, tôi chào các o và cùng đoàn ra xe về chỗ nghỉ. Về tới nhà nghỉ, chúng tôi tranh thủ sang nhà má hàng xóm và được gia đình má mời uống nước, ăn bánh kẹo và hỏi thăm sức khỏe chúng tôi. Chuyện giữa chúng tôi và gia đình má kéo dài tới khuya. Chúng tôi xin phép má và chúc gia đình má mạnh khỏe, con cháu thành đạt, hạnh phúc.

                            Bến vượt,sông Thạch Hãn đêm Tri ân đồng đội 27/7/2012

      Sáng hôm 28/7, trước lúc chúng tôi lên xe về Hà Nội, đại diện các thân nhân liệt sĩ được Ban Tổ chức Chương trình  mời thăm lại chiến trường nơi người thân đã hy sinh, nói với tôi:
     “ Cảm ơn các bác, các chú, cảm ơn Chương trình đã tạo cho cháu và các thân nhân liệt sĩ đã đến nơi mà cách đây 40 năm, chú của cháu đã hy sinh. Tuy hài cốt của chú cháu chưa tìm thấy, nhưng cháu rất vui vì đã được đến tận nơi mà chú cháu đã cùng đồng đội chiến đấu 81 ngày đêm với quân thù. Cháu đã thắp nén nhang thơm mong chú siêu thoát và linh thiêng báo ứng cho cháu và gia đình. Chú à, cháu rất hiểu, chiến tranh rất ác liệt, chú cháu và các đồng đội hy sinh trong cuộc chiến này không chỉ là nỗi đau tiếc thương của riêng gia đình cháu mà còn là nỗi tiếc thương của toàn dân tộc này. Sự hy sinh của chú cháu cùng các đồng đội đã đem lại cho mọi người trong đó có cháu được hưởng hòa bình và cuộc sống tươi đẹp ngày hôm nay…”
        Nghe câu nói chân tình ấy, mắt tôi cay xè, rơm rớm nước mắt. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vô cùng gian khổ, ác liệt nhưng vô cùng vẻ vang của dân tộc ta, Sơn Hà có hai người anh hy sinh, một anh hy sinh năm 1967 tại xã Bình Sa,  huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Năm 2006, đã tìm thấy hài cốt, gia đình đã đưa hài cốt của anh về an táng tại nghĩa trang quê nhà. Còn một anh hy sinh năm 1968 tại mặt trận Quảng Đà, hiện nay chưa tìm thấy hài cốt! Sơn Hà hiểu rằng, đâu chỉ có mình nhà Sơn Hà chưa tìm thấy hài cốt anh mình mà còn bao nhiêu gia đình khác nữa cũng trong tình cảnh như vậy!

                    Đỗ Sơn Hà thắp nhang tại nghĩa trang liệt sĩ thị xã Quảng Tri

       Rời Quảng Trị, mỗi người trong đoàn đều có tâm trạng riêng, nhưng tất cả mọi người đều có chung một niềm vui là được về thăm lại chiến trường xưa và làm được một số việc tri ân đồng đội, dù việc đó chưa đem lại kết quả mĩ mãn như mong muốn. Chuyến đi còn có điều này điều nọ chưa làm hài lòng về cách ứng xử. Nhưng, nói chung chuyến đi đạt yêu cầu và an toàn tuyệt đối. Đối với vùng đất Quảng Trị, các thành viên trong đoàn đều mong muốn cần tổ chức nhiều chuyến đi về thăm chiến trường xưa để làm được nhiều việc tri ân đồng đội và tri ân đồng bào Quảng Trị đã từng cưu mang, giúp đỡ mình trong cuộc chiến tại Thành cổ. Thương lắm, nhớ lắm Quảng Trị ơi!

                            Đỗ Sơn Hà chụp hình lưu niệm cột cờ cầu Hiền Lương

      Để kết thúc, bài viét này, Sơn Hà nhặc lại câu nói của cháu bé cùng mẹ tiễn cha đi chiến đấu trong chương trình truyền hình trực tiếp đếm 27/7 vừa qua.

                                         Một cảnh trong chương trình nghệ thuật 
                                                đêm tri ân đồng đội 27/7/2012

       Lời con gái: Cha ơi! Cha đừng đi đánh nhau, đánh nhau là chết người đấy!
       Lời người cha: Con gái yêu ơi! Cha đi chiến đấu để ngăn chặn cái chết!
                                                                                                                         Đỗ Sơn Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét