Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

VỀ QUẢNG TRỊ TRI ÂN ĐỒNG ĐỘI - Phần 7


 THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ XƯA VÀ NAY
ĐÊM TRI ÂN ĐỒNG ĐỘI

      Một trong những mục đích về Thành cổ Quảng Trị lần này là Đoàn tìm thêm chứng cứ sát thực để kiến nghị với Viện nghiên cứu lịch sử Quân sự xem xét bổ sung, chỉnh sửa những số liệu, sự kiện, nhân vật, đơn vị tham gia 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ.

      Thành cổ Quảng Trị nằm giữa trung tâm thị xã Quảng Trị, cách quốc lộ 1A khoảng 2km về phía Đông, cách bờ sông Thạch Hãn chừng 200m về phía Nam. Đứng soi mình xuống dòng sông Thạch Hãn hiền hoà, Thành cổ Quảng Trị uy nghi, trầm mặc, sáng ngời biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng với khát vọng tự do, độc lập. Nơi đây, dưới lớp cỏ non Thành cổ, lòng đất đã thấm đẫm máu của hàng ngàn chiến sĩ và đồng bào Quảng Trị.


                                   Đài tưởng niệm các Liệt sĩ trong Thành Cổ Quảng Trị

       Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm địch dùng máy bay B52, Pháo hạng nặng, xe tăng ném bom, bắn phá, Thành cổ trở thành túi bom, bão lửa, nhà, cây cối bị san phẳng …

Những gì còn sót lại cửa phía Đông của Thành Cổ Quảng Trị
Trường Bồ Đề - Chứng tích còn lại
                                                Di tích lịch sử văn hóa - Trường Bồ Đề

      Đến nay Thành Cổ đã được chỉnh trang, một phần phục hồi, xây mới, thị xã được mở rộng, phô xá đông vui nên Đoàn chúng tôi không nhận ra được các khu vực năm xưa, như nhà tỉnh trưởng, cống thoát nước, nơi tập kết của đại đội 3, đại đội 6 ém quân tấn công vào Thành,…

                                Từ Trái qua phải: Nguyễn Hữu Biên, Quách Văn Viên, Đỗ Sơn Hà
                                              Nguyễn Thanh Bình, Hà Văn Bảy

    Được sự giúp đỡ của Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị, Đoàn đã tìm được chiến sĩ Thành Cổ năm xưa hiện đang sống tại thị xã Quảng Trị, đó là: anh Nguyễn Thanh Bình chiến sĩ trinh sát của tỉnh đội Quảng Trị. Anh Bình đẫn chúng tôi có CCB Quách Văn Viên nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, CCB- Nhà báo Trịnh Duy Sơn nguyên Chính trị viên phó Đại đội tham gia bảo vệ Thành cổ, CCB Nguyễn Hữu Biên nguyên tiểu đội trưởng trinh sát Tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, CCB Nguyễn Hữu Biên Chiến sĩ Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, CCB Hà Văn Bảy nguyên trinh sát Trung đoàn 165 và tôi, nhà thơ - nhạc sĩ Đỗ Sơn Hà – Phó Ban tổ chức Chương trình “ Về chiến trường xưa – Tri ân đồng đội” đến thăm lại những địa điểm mà chúng tôi cần tìm kiếm.
       Tòa nhà tỉnh trưởng do bom địch tàn phá nay không còn, lối vào cổng nhà tỉnh trưởng nay là nhà hàng cà phê Dư Âm, khuôn viên đất tòa nhà tỉnh trưởng nay là tru sở của UBND thị xã Quảng Trị. Tại đây vẫn còn lại một chút góc tường móng nhà tỉnh trưởng.

   Nhà hàng cà phê Dư Âm xây dựng lối đi vào 
tòa nhà tỉnh trưởng Quảng trị thời ngụy

      Chúng tôi đi dọc theo bờ kè sông Thạch Hãn để tìm miệng cống thoát nước của Thành cổ mà năm xưa các chiến sĩ trinh sát đi ra, đi vào quan sát vị trí địch bố trí lực lượng, để rồi dẫn các chiến sĩ ta chui qua đường ống thoát nước vào Thành đánh nhau với địch. Nay,miệng cống thoát nước không còn, khi tái thiết thị xã, người ta đã thiết kế lại hệ thống thoát nước của thị xã và Thành Cổ.
      Anh Bình dẫn chúng tôi, tới trường Trung học phổ thông thị xã Quảng Trị , nơi đây trước kia khi quân ta tấn công vào góc phía đông nam Thành Cổ là nơi tập kết chiến sĩ của Đại đội 3, Đại đội 6 Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 cách nơi tập kết cách vị trí quân Mỹ không xa.

Trong khuôn viên của trường trước kia là nơi tập kết 
ém quân đại đội 3, đại đội 6 tấn công vào Thành Cổ

      Chúng tôi rất vui được các anh Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Hữu Biên, Hà Văn Bảy kể lại những chi tiết sát thực về những lần vào Thành Cổ trinh sát và dẫn đường quân ta tấn công vào Thành. Nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 5 Quách Văn Viên cho biết: trong trận chiến đấu tại xưởng cưa trước khu vực cổng Thành Cổ của Tiểu đoàn 5, quân ta đã bắn rơi 2 máy bay A37, tiêu diệt hơn 40 tên địch. Đây là trận mở màn của quân ta tấn công vào Thành Cổ.

Các chiến sĩ Thành Cổ đang kể lại trận đánh vào Thành cổ
Từ trái qua phải các chiến sĩ Thành cổ: Quách Văn Viên, 
Nguyễn Hữu Biên,Trịnh Duy Sơn, Nguyễn Thanh Bình
Góc Đông Nam Thành Cổ đối diện với trường THPT thị xã Quảng Trị
nơi Đại đội 6 vượt hào tấn công vào Thành cổ 
Đỗ Sơn Hà chụp hình lưu niệm 
với Chiến sĩ trinh sát Nguyễn Thanh Bình

       Đoàn chúng tôi về thôn Thượng Phước và phát hiện bên sông Thach Hãn có khu mộ chung nhiều chiến sĩ, thời gian đã 40 năm do mưa lũ, đất sạt nở, cát bồi che lấp tạo thành bãi bồi rộng lớn hàng ngàn m3 đất cát. Hài cốt các chiến sĩ hiện nằm sâu dưới lòng đất khoảng 3- 4 m. Đưa hài cốt liệt sĩ qui tập vào nghĩa trang cần phải huy động nhiều phương tiện như máy đào, máy xúc. máy ủi… mới thực hiện được

                             Đôi điều lịch sử Thành Cổ Quảng Trị

       Để trấn giữ phía bắc kinh đô Phú Xuân, năm 1809 Gia Long thứ 8 quyết định dời Dinh từ phường Tiền Kiên, huyện Đăng Xương (Triệu Giang, Triệu Phong ngày nay) đến xây dựng trên một khu đất cao tại xã Thạch Hãn- Hải Lăng. Từ thành có thể đi vào Nam hay ra Bắc bằng đường sông, đường bộ, đường biển đều thuận tiện. Với vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quân sự, Thành Cổ vừa là công trình thành luỹ quân sự, vừa là trụ sở hành chính của nhà Nguyễn trên đất Quảng Trị từ năm 1809 đến năm 1945.

Thành cố Quảng Trị nhìn từ trên cao

      Thời kỳ đầu Thành được đắp bằng đất, đến năm 1837, vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Khuôn viên Thành cổ Quảng trị có dạng hình vuông với chu vi tường thành dài 2160m, thành cao 3m, chân tường thành dày 13,5m, đỉnh tường thành dày 0,72m. Bên ngoài thành có hệ thống hào rộng bao quanh. Bốn gốc thành là 4 pháo đài cao nhô hẳn ra ngoài.
       Thành có 4 cửa nằm chính giữa 4 mặt thành: Tiền, Hậu, Tả, Hữu xây vòm cuốn, vòm làm bằng gổ lim. Mỗi cửa có chiều rộng 3,4m, phía trên có vọng lâu, mái cong, lợp ngói âm dương. Nội thành có các công trình kiến trúc như Hành cung, cột cờ, dinh Tuần Vũ, dinh án Sát, dinh Lãnh Binh, Ty Phiên, Ty Niết, kho thóc, nhà kiểm học, trại lính.
Trong đó, Hành cung được xem là công trình nổi bật nhất: bao bọc xung quanh là hệ thống tường dày, chu vi 400m, có hai cửa. Hành cung là một ngôi nhà rường, kết cấu 3 gian, 2 chái, mái lợp ngói liệt, trên có trang trí các họa tiết: rồng, mây, hoa, lá...
Nơi đây thường để Vua ngự và thăng quan cho các quan cấp tỉnh ở Quảng Trị hay tổ chức các lễ tiết trong năm.
       Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp đặt chính quyền bảo hộ thì Thành cổ lại có thêm nhà lao, toà mật thám, trại lính khố xanh, cơ quan thuế đoạn... Từ năm 1929 đến năm 1972, nhà lao Quảng Trị là nơi giam cầm các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước và chính nơi đây đã trở thành trường học chính trị, để rèn luyện ý chí son sắt, đấu tranh trực diện với kẻ thù của những người yêu nước.
        Hơn 160 năm tồn tại dưới thời quân chủ và thực dân, Thành Cổ là trung tâm chính trị của Quảng Trị. Dưới thời tạm chiếm Mỹ - ngụy biến Thành Cổ thành khu quân sự, làm kho tàng quân đội và trung tâm chỉ huy chiến dịch toàn tỉnh, đồng thời mở thêm nhà giam để đàn áp phong trào cách mạng. Vì vậy, nơi đây đã chứng kiến nhiều cuộc đấu tranh chống Mỹ trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968 và các trận chiến đấu oai hùng của quân và dân ta. Tiêu biểu là cuộc chiến đấu ngoan cường đánh trả các đợt phản kích tái chiếm Thành Cổ của Ngụy quyền Sài Gòn trong suốt 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972.
      Chiến công giữ vững Thành Cổ Quảng Trị là khúc tráng ca bất tử, đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam những trang hào hùng nhất. Thành Cổ như một bảo tàng ghi nhận hy sinh cao quý của biết bao chiến sĩ giải phóng quân và nhân dân Quảng Trị anh hùng. Cuộc chiến đấu anh dũng 81 ngày đếm (từ 28/6 đến 16/9/1972) bảo vệ Thành Cổ là đòn chiến lược bẻ gãy ý đồ cuồng vọng tái chiếm Quảng Trị của Mỹ ngụy, tạo thế mạnh cho ta trên bàn đàm phán Pa-ri. Ngã ba Long Hưng- chốt bảo vệ Thành Cổ phía Nam được mệnh danh là "ngã ba bom", "ngã ba lửa" mà hết đơn vị này, điều đơn vị khác quyết bám trụ đến cùng. Ngã ba cầu Ga 20 chiến sĩ án ngữ đều hy sinh anh dũng. Do phải gánh chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ trong chiến tranh nên từ sau hoà bình lập lại, Thành Cổ chỉ còn dấu vết của một số đoạn thành, lao xá, cổng tiền, hậu... Từ năm 1993 - 1995, hệ thống hào, cầu, cống, một số đoạn thành, cổng tiền đã được tu sửa, hàng nghìn cây dừa đã mọc lên phía trong thành. Đặc biệt một đài tưởng niệm lớn đã được xây dựng ở chính giữa Thành Cổ. Đài tưởng niệm được đắp nổi bằng đất có hình một nấm mồ chung, bốn phía gia cố xi măng tạo thành hình bốn cửa của Thành Cổ, phía trên là nơi để mọi người thắp hương tưởng niệm. Khu ghi dấu ấn về cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở góc Đông Nam; tái tạo lại chiến trường năm 1972 với hầm hào, công sự, hố bom…  Tại đây sẽ đặt 81 khối đá tự nhiên tạc văn bia mô tả cuộc chiến đấu phi thường của quân và dân ta. Khu phục dựng Thành cổ nguyên sinh: ở phía Đông Bắc, thu nhỏ kiến trúc các công trình cổ, trồng một rừng mai vàng để gợi biểu tượng non Mai sông Hãn. Khu công viên văn hoá: ngoài tượng đài và nhà trưng bày bổ sung hai tầng, tại phía Tây và Tây Nam này xây dựng một công viên có nhiều lối đi, ghế đá, cây cảnh, hồ nước, sân chơi … 

Sân khấu nổi trên sông Thạch Hãn đêm tri ân đồng đội
     Hoa đăng trên sông Thạch Hãn đêm tri ân đồng đội
    
     Thành cổ Quảng Trị là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước và là điểm thu hút hấp dẫn khách tham quan trong nước và bè bạn quốc tế. Hiện nay Thành cổ được Nhà nước đầu tư để tôn tạo các khu vực: Thành Cổ Quảng Trị được bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích Quốc gia theo quyết định số 235/VH - QĐ ngày 12/12/1986. Năm 1994, Thành Cổ Quảng Trị lại được xếp vào danh mục những di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng
     
Lời con trẻ: - Bố ơi! Bố đừng đi đánh nhau, chết người đấy. 
Lời người cha: -Con gái yêu ơi! bố đi chiến đấu để ngăn chặn cái chết...
Tiết mục biểu diễn tại đêm tri ân đồng đội
                                      Xung phong! - tiết mục nghệ thuật đêm tri ân đồng đội

     Đêm 27/7/2012, Trước tòa nhà thả hoa, trên sông Thạch Hãn là một sân khấu nổi lớn, trang trí hiện đại hệ thống âm, thanh ánh sáng để truyền hình trực tiếp về sự kiện tôn vinh các anh hùng liệt sĩ và tri ân đồng đội đã chiến đấu quả cảm 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trên các sóng truyền hình của VTV với những câu chuyện kể xúc động lòng người của những nhân chứng và chương trình nghệ thuật hoành tráng có sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ, tuổi trẻ Thành Cổ. 

Bến vượt năm xưa nay là Đài liệt sĩ và nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ tỉnh Quảng Trị
Đêm tri ân dòng sông Thạch Hãn được thả 16000 hoa đăng
Lung linh nhà thả hoa bên sông Thạch Hãn đêm tri ân đồng đội
                                                     Tháp chuông Thành Cổ anh hùng

Hai đêm 26 và 27/7 dòng sông Thạch Hãn rực rỡ 16000 hoa đăng được thả trên sông. Đường phố thị xã Quảng Trị trong những ngày đó rực rỡ cờ hoa, băng dôn, biểu ngữ và lung linh đèn mầu. Đêm tri ân đồng đội được truyền hình trực tiếp đã xúc động với hàng ngàn người đến dự lễ mà còn đến hàng triệu triệu con tim trên khắp hành tinh dõi xem qua màn ảnh nhỏ.

Các CCB trong Đoàn tại buổi tổng duyệt Đêm tri ân đồng đội
Một số thành viên trong Đoàn 
tại Quảng trường TX Quảng Trị
Sông Thach Hãn lung linh sắc mầu
Ca sĩ ngồi trên thuyền thể hiện tiết mục 
nghệ thuật trong đêm tổng duyệt 
Tiết mục văn nghệ trong đêm tri ân đồng đội 
được truyền hình trực tiếp trên VTV
Sông Thạch Hãn lung linh sắc mầu trong đêm tri ân đồng đội
                                           Sơn Hà bên nhà thả hoa trên bờ sông Thạch Hãn
                                                                                        Mời các bạn xem tiếp phần 8

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét