Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

CHỐNG TIÊU CỰC THẬT CƠ CỰC

                                 Thí sinh mở phao chép bài tại kỳ thi THPT Đồi Ngô
       Mấy ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng nóng về vụ tiêu cực tại hội đồng thi THPT Đồi Ngô tỉnh Bắc Giang. Khi vụ việc gian lận đó được phanh phui, dự luận quần chúng đưa ra các ý kiến trái chiều nhau. Người thì cho rằng cần khen thưởng thí sinh đã mạnh dạn chống tiêu cực. Người khác thì cho rằng cần xử lý thí sinh này. Vụ việc đến nay chưa có hồi kết. Nhưng, đã làm các nhà quản lý ngành giáo dục đau đầu; lãnh đạo tỉnh Bác Giang đã lên tiếng cần xử lý nghiêm những người vi phạm qui chế thi, còn lãnh đạo huyện nơi để xảy ra vụ việc tiêu cực thì nhận trách nhiệm….
        Sơn Hà nhớ lại cách đây đã gần chục năm, vụ tiêu cực xảy ra tại một hội đồng thi ở huyện Phú Xuyên thuộc tỉnh Hà Tây cũ, thày Khoa đã dũng cảm lên tiếng đưa vụ đó ra ánh sáng. Khi đó, ngành giáo dục mới nhận ra rằng bệnh sính thành tích đã trầm trọng. Thời ấy, ông Nguyễn Thiện Nhân mới làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo đã phát động phong trào: nói không với tiêu cực và nói không với bệnh sính thành tích trong nhà trường, gọi tắt là cuộc vận động “Hai không”. Ngay sau ngày phát động, các trường trong cả nước hưởng ứng nhiệt liệt, nhân dân đồng tình ủng hộ, các ngành các giới thì hoan ngênh sáng kiến của Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân. Tưởng chừng cuộc vận động đó lúc nào cũng phải bừng bừng khí thế chống tiêu cực trong nhà trường, ai dè cuộc vận động đó giờ đây hầu như có phần trầm lắng. So với phong trào thi đua “Hai tốt” phát động từ năm 1960 đến nay thì phong trào “Hai tốt” vẫn được các trường duy trì, vẫn lấy tấm gương Trường Cấp 2 Bắc Lý – Đơn vị được Nhà nước hai lần phong tặng danh hiệu “ Anh hùng Lao động” để học tập, thì cuộc vận động “Hai không” phần nào còn hạn chế về duy trì và thúc đẩy phong trào.
                               Thi sinh coi cóp bài thi tại hội đồng thi THPT Đồi Ngô
       Trở lại câu chuyên tiêu cực tại kỳ thi THPT Đồi Ngô, dưới góc nhìn của Sơn Hà, Sơn Hà cho rằng: Một là, do học lực học sinh của trường này không khá lắm, thí sinh đi thi tâm lý lo lắng, sợ trượt thì làm sao có cơ may đặt chân tới kỳ thi vào cao đẳng, đại học. Hai là, có thể do trình độ, nhiệt tình, trách nhiệm giảng dạy của giáo viên chưa tận tâm, tận lực với học sinh, tức là “dạy cho qua chuyện”. Vì học sinh học lực không khá, nhà trường lại mắc bệnh thành tích, nên các  kỳ thi năm trước ở trường này đã để hiện tượng ném phao, coi cóp, mang tài liệu… một cách ngang nhiên mà giám thị vẫn bỏ qua. Để phanh phui chuyện tiêu cực kỳ thi ở trường này, mới có thi sinh mang máy quay vào phòng thi để ghi lại hình ảnh lộn sộn trong phòng thi, tung lên mạng cho công chúng biết sự thật về kỳ thi THPT Đồi Ngô.
       Từ vụ việc trên cho ta 3 mệnh đề:
        Mệnh đề thứ nhất: Theo qui chế thi, thí sinh mang máy quay vào phòng thi là vi phạm qui chế, đó là hành động tiêu cực của thí sinh. Nếu giám thị bắt, lập biên bản thì việc thi cử coi như chấm hết. Biết mình vi phạm qui chế thi, thí sinh đó đã ngộ ra và nảy ra hành động ghi hình để làm bằng chứng về tiêu cực trong phòng thi. Hành động này có tính tích cực, tức là thí sinh đó đã hành động “lấy công chuộc tội”. Việc làm của thí sinh này góp phần chống tiêu cực cần được xem xét bao dung, khen thưởng, tránh đưa em đó tới bước đường cùng. Từ phân tích trên, ta có mệnh đề thứ nhất:Tích cực chống tiêu cực.
       Mệnh đề thứ hai:  Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nói rằng:..”hành động mang máy quay vào phòng thi là vi phạm qui chế thi cần phải xử lý”... Nói một cách vô thức như thế có nghĩa là đồng lõa với tiêu cực và phủ nhận hành động lấy công chuộc tội để chống tiêu cực của em đó. Nếu không có hình ảnh trung thực về vụ tiêu cực xảy ra tài kỳ thi THPT Đồi Ngô thì trường THPT Đồi Ngô vẫn được cấp trên thừa nhận là hội đồng thi nghiêm túc! Bấy lâu nay, tôi ngưỡng mộ và tâm đắc về những câu nói của ông Đào Trọng Thi, nhưng phát ngôn của ông lần này làm tôi thất vọng. Câu nói của ông như thế có khác nào dung túng cho tiêu cực, hạn chế những người chống tiêu cực. Từ đây ta có mệnh đề thứ hai:  Tiêu cực chống lại tích cực
       Mệnh đề thứ ba: Không chỉ có ông Đào Trọng Thi và còn một số người trong ngành giáo dục đồng tình với câu nói của ông Đào Trọng Thi cần xử lý thí sinh mang máy quay vào phòng thi, hiện nay thí sinh đó lo lắng và thậm trí dẫn tới tinh thần hoảng loạn. Néu cứ như thế này còn ai giám lên tiếng chống tiêu cực. Bài học nhãn tiền về chống tiêu cực ở nước ta đã có, người chống tiêu cực bị bọn tiêu cực trả thù. Ta có mệnh đề thứ ba:Chống tiêu cực thật cơ cực.
        Ghép 3 mệnh đề trên, ta được: Tích cực chống tiêu cực, tiêu cực chống lại tích cực, chống tiêu cực thật cơ cực !
         Viết đến đây tôi chợt nhớ lại báo Quân đội Nhân dân số xuân 1982 có đăng vế thách đối của một tác giả mà tôi không nhớ tên: Tích cực chống tiêu cực, tiêu cực chống lại tích cực, chống tiêu cực thật cơ cực
         Vế thách đối cách đây vừa tròn 30 năm, mà chưa ai đối lại được. Thật đáng nể tác giả ra vế thách đối đã có tầm nhìn xa.
          Sự việc tung clip về kỳ thi THPT Đồi Ngô Bắc Giang chỉ có thế mà làm nóng dư luận. Ngành giáo dục cần nhìn thẳng vào sự thật mà rút kinh nghiệm để sửa chữa, uốn nắn trong công tác quản lý; đừng “giận cá chém thớt”. Để kết thúc bài viết này, Sơn Hà xin dẫn lại đoạn viết đăng trên báo An ninh Thủ đô:
        Khác với ý kiến của ông Đào Trọng Thi về việc xử lý thí sinh quay clip vụ gian lận tại hội đồng thi ở Bắc Giang, đại biểu Bùi Thị An cho rằng: "Cần cho em cơ hội sửa lỗi, không nên xử lý quá khắt khe khiến em vào bước đường cùng".
                                                                                                                     Đỗ Sơn Hà
               



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét