Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Quái kiệt Hà Thành - Người "bách nghệ"


Đến cơ quan hỏi Đỗ Sơn Hà, chưa cần nói ở phòng, ban nào...ông bảo vệ cũng biết. Nhiều người trầm trồ: Có phải ông này hay viết nhạc cho thiếu nhi? Đúng. Có người thắc mắc: Có phải ông này làm tấm ảnh "Thị xã Hải Dương trước ngày lên thành phố?" dài 3 mét ? Cũng đúng. Lại có người nghi hoặc: Có phải Đỗ Sơn Hà dạy Toán, bây giờ quay sang làm tổ chức?... Cũng chẳng sai.

Người luôn hỏi tại sao?

Ngay từ nhỏ Đỗ Sơn Hà đã là một tên “con nít” khác người. Những câu hỏi tại sao luôn ám ảnh chú. Tại sao như thế này mà không như thế kia? Tại sao bông hoa phù dung sớm nở màu trắng, chiều lại ngả màu hồng? Tại sao con gà trống sáng nào cũng gáy đúng giờ để đánh thức cả nhà? Tại sao có hạt thóc lép, hạt thóc mẩy? v.v và v.v… Lớn khôn hơn, chú biết tự tìm câu trả lời cho mình nhờ vào những kiến thức khoa học mà chú lượm lặt được trong đống sách vở cao ngất của bố. Mỗi ngày, Hà lại tự đặt ra cho mình những câu hỏi mới, không chỉ là tại sao? Mà còn làm cách nào? như thế nào? Hà trở thành một đứa trẻ “được việc” đến nỗi ông bố vốn khó tính yên tâm giao cho con nhiệm vụ chọn trứng vịt tốt để cho ấp mỗi mùa. Công việc này khó, thường người ta chỉ tin cậy những người lớn tuổi có kinh nghiệm. Hà tự nghĩ ra cách đưa trứng lên mũi ngửi, quả nào có mùi tanh là trứng mới, tươi, cho vịt ấp có khả năng thành công cao.

Năm Hà học lớp 7, mọi người xôn xao vì vở kịch “Nổi gió” có màn đốt tay cực kỳ ấn tượng. Cậu về nhà pha pha, chế ché đúng một hôm. Sáng hôm sau đến lớp, Hà biểu diễn đốt tay trước mặt thầy cô làm cả trường sợ xanh mặt. Có gì đâu, chỉ là trước khi đốt lấy một cái khăn dúng nước rồi dùng ête thấm vào khăn, sau đó châm lửa, chiếc khăn cháy ở nhiệt độ 400C chỉ đủ làm bay hơi một phần hơi nước chứ không đủ để cháy khăn. Nghe ông “ôn con bạt tử” giải thích cách làm ai cũng thở phào, vừa mừng vừa sợ.

Lên đại học, Đỗ Sơn Hà vào khoa Toán trường Tổng hợp và nổi tiếng vì khả năng tính nhẩm cực nhanh. Những con số bất kỳ, những phép tính bất kỳ, người ta chưa kịp ngạc nhiên anh đã đặt bút viết kết quả ra giấy. “Cái gì cũng có quy luật của nó, khi tìm ra được quy luật rồi thì mọi việc trở nên cực kỳ đơn giản, một đứa trẻ con biết mặt chữ cũng sẽ làm được”. Vấn đề là tìm ra được những quy luật ấy. Với nhân vật này mọi việc chỉ cần chịu khó để ý, tìm tòi “một chút” thì sẽ có hướng giải quyết. “Tự nhiên bao giờ cũng rất công bằng, có cửa tử ắt phải có cửa sinh, đơn giản thế mà sống”.

Phương châm của Hà là: kiến thức của nhân loại là vô hạn mà khả năng hiểu biết của con người thì hữu hạn, bản thân anh chỉ cóp nhặt những tinh túy của người đời. Anh ví mình như  con chim đi nhặt thóc rơi, thì thóc rơi bao giờ chả mẩy…

Bách nghệ

Cũng bằng con đường tự học, nghe những người lớn tuổi “truyền miệng” cộng với việc mày mò đọc sách của Hải Thượng Lãn Ông… Sơn Hà tự biến mình thành người tinh thông các vị thuốc nam và có thể bốc thuốc cứu người. Thời ấy thanh niên trai trẻ hăng say cống hiến chẳng nghĩ gì đến việc hành nghề lấy tiền. Sau này khi đã dính dấp vào văn chương Hà ứng khẩu viết “Bài ca dược liệu” thì ngay lập tức được Hội Dược liệu Việt Nam lấy làm bài hát truyền thống. Những “Hương nhu, Bách bộ, Bồ công anh, Mã tiền, Ngọc trúc, Xuyên tiêu, Cốt khí…” ăn lời đến độ tất cả những ngươi trong ngành Dược khi nghe Đỗ Sơn Hà biểu diễn đều không khỏi tròn xoe mắt ngạc nhiên…

Các bậc phụ huynh bảo: anh chàng lêu lổng có mục đích ấy nếu tu chí vào một nghề thì chẳng phì gia cũng có thể vinh thân lắm lắm. Là vì thời bao cấp người người, nhà nhà sát lại vì nỗi lo nhu yếu phẩm mà gia đình nhờ vào những nghề tay trái của anh ta cứ vượt qua như không. Biệt tài của Đỗ Sơn Hà là khả năng học lỏm cực nhanh. Thời 18 tuổi, một lần anh đến nhà bác làm nghề khảm trai thấy thợ cắt, đục…thích quá liền yêu cầu bác dẫn đi tham quan bằng được. Ông bác nhiệt tình dẫn cháu xem từ khâu chọn vỏ trai, chế tác, đến hoàn chỉnh… Đi hết buổi sáng bác hỏi cháu học được gì? Hà thưa cháu học hết rồi. Người bác không tin cho là thằng cháu khoác lác. Những người đến học nghề ở nhà ông ông biết, thông minh sáng láng cũng phải mất vài ba tháng mới tinh thông nghề khảm, chưa có ai qua một tuần dám tuyên bố là mình đã học được nghề (dù chỉ về cơ bản). Hà không nói nhiều, anh về Hải Dương nghĩ là mình sẽ làm khảm trai… để chơi. Không có tiền mua nguyên liệu, hàng ngày anh đi mấy vòng quanh các chợ lớn thấy hàng nào có trai lớn là chờ người qua rồi gạ làm hộ để xin cái vỏ. Cứ thế, từ năm 1994 Sơn Hà đã có thể phục chế các bức đại tự bằng khảm trai tại Bảo tàng Hải Hưng và các di tích tại thị xã Hải Dương. Ngay cuối năm đó, anh được Sở Văn hóa Thông tin tặng khen và công nhận danh hiệu Nghệ nhân khảm trai.

Hà lấy vợ cũng nhờ những “tài lẻ lặt vặt” của mình. Là giáo viên, dạy học có 8 năm nhưng học sinh bao giờ cũng thích mê mẩn những bài giảng của thầy Hà. Bằng những thí nghiệm sinh động: cá sống trong nước sôi, để chai nghiêng, điều khiển con vật từ xa… mỗi giờ học được ông thầy biến thành một giờ thực nghiệm “hấp dẫn mê người”. Bằng những hiểu biết về vật lý cộng với vốn học khí công thầy Hà có thể để hòn đá hàng tạ lên ngực cho người khác cầm vồ đập. Hồi ấy, thầy đang yêu, cô thấy mọi người xôn xao hết hồn chạy ra thì “ông mãnh” đã biểu diễn xong rồi…

Có Đỗ Sơn Hà là một…

Vợ con, bạn bè, đồng nghiệp… đều nghĩ về Đỗ Sơn Hà như một người kỳ quặc, không giống ai, nhưng mà…đáng yêu.

Có lần ở trên tàu, cả gia đình ngồi cùng khoang với một cô gái trẻ ăn mặc rất mốt. Ông bố quên cả vợ con cứ nhìn chằm chằm vào…ngực cô gái. Về đến nhà cô con gái phụng phịu: “Bố dơ, ai lại nhìn phụ nữ thế”…Bố ngớ người giải thích: “Bố nhìn hình con gấu xù thêu trên áo của cô ấy đấy chứ, bố chỉ biết thêu phẳng, không biết thêu xù nhưng rõ ràng thêu xù đẹp hơn”. Mấy hôm sau, những sản phẩm thêu xù đẹp không kém tay chuyên nghiệp làm bắt đầu xuất hiện trên áo của các con anh.

Có thời gian Đỗ Sơn Hà làm Hiệu trưởng một trường dạy nghề phải quản lý toàn những thành phần “gấu” ở khắp nơi. Chỉ bằng việc tiếp xúc, trao đổi với giáo viên các bộ môn mà  anh biết cả cắt may, dệt len, sửa chữa máy móc…làm cho tất cả các lớp trông thấy thầy Hiệu trưởng đều phải tâm phục khẩu phục. Đối với những học sinh cá biệt nổi hứng đánh nhau mà bị Hiệu trưởng vận lực vỗ vỗ vào vai thì đều giật mình biết là đã đụng cao thủ. Bàn ghế chúng làm gãy thầy không mắng chỉ lụi cụi lấy đinh đóng lại rồi đùa: “Khổ thế này đây, quýt làm cam chịu, trò phá thì thầy phải sửa, khi nào trò làm thầy tró mới biết các khổ của thầy”… Đắc nhân tâm đến thế chả trách trò gấu chứ trò khủng long cũng cứ phải nhũn như con chi chi.

Ấy là chưa kể, đối với thơ ca, nhạc, họa…Sơn Hà không làm thì thôi, làm là…ra chuyện. “Bài ca Công đoàn” của tác giả Đỗ Sơn Hà trở thành bài hát được sử dụng rộng rãi từ năm 1999. Tập “Tuổi thơ vui hát” hoàn thành sau khi anh bảo vợ: “Trong một tháng ai hỏi bảo anh đi vắng”, sau này trở nên quá quen thuộc với thiếu nhi cả nước đặc biệt với bài “Cây đèn tín hiệu”:  "đèn đỏ em dừng, đèn xanh em mới đi…"

Ngày xưa, thời Tam Quốc có chuyện Tào Thực đi bảy bước làm một bài thơ. Ngày nay, Sơn Hà có thể ứng khẩu tức thì một bài tứ tuyệt mà gần như không phải nghiền ngẫm. Bạn bè kể rằng, có lần một cô gái thách anh làm tiếp được hai câu cho hoàn chỉnh bài thơ, ai cũng ngại, riêng Sơn Hà bảo cô cứ đọc: Thương anh em những rằng thương / Nước khao khát chảy sao mương chẳng đào… Mọi người mới bắt đầu đăm chiêu, Sơn Hà đã ứng khẩu: Anh về toan tính thế nào / Để cho nước chảy lọt vào lòng mương.

Cũng chẳng giống ai, trong nhà, Đỗ Sơn Hà tự trang bị cho gia đình cả bộ máy tập thể dục hàng chục triệu. Quan điểm về tiền bạc của anh rất…thoáng: có nhiều tiền mà không biết tiêu thì cũng chỉ như tờ giấy, có ít tiền mà biết tiêu thì cũng thành sang. Anh quan niệm một cách đơn giản: nếu như được làm những gì mình thích, mà nhất là những điều ấy tốt cho mọi người thì là hạnh phúc rồi. Hạnh phúc không mua được bằng tiền…
Nhà báo Đỗ Hồng  Hạnh
(Trích trong "Quái kiệt  Hà  Thành" - Nxb Quân đội Nhân Dân, 2005)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét